
PHÒNG BỆNH THALASSEMIA (TAN MÁU BẨM SINH) Ở TRẺ
Tan máu bẩm sinh (TMBS) là gì?
Tan máu bẩm sinh (TMBS) hay còn gọi là bệnh Thalassemia, là bệnh thiếu máu mạn tính do tan máu, có ở cả nam và nữ, di truyền từ bố mẹ sang con. Người bị bệnh hay người mang gen bệnh khi kết hôn, sinh con thì các con đều có nguy cơ bị bệnh hoặc mang gen bệnh. Đa số các trường hợp mang gen TMBS đều là những người hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ một biểu hiện lâm sàng nào. Do đó, bản thân người mang gen bệnh thường chủ quan, dễ bị bỏ qua khi kiểm tra sức khỏe và trở thành nguồn di truyền gen trong cộng đồng.
Tan máu bẩm sinh có nguy hiểm không?
TMBS là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt với những người mắc bệnh ở thể nặng phải sống phụ thuộc vào việc truyền máu và thải sắt suốt đời kèm theo các biến chứng ở các cơ quan như suy gan, suy tim, suy giảm nội tiết tố, biến dạng mặt, xơ gan, gặp vấn đề về sinh sản… thậm chí là tử vong.
Việt Nam có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh và có trên 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh TMBS, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Lượng bệnh nhân TMBS đang làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội.
Cần làm gì để phòng tránh bệnh Tan máu bẩm sinh?
Một là, không kết hôn cận huyết.
Hai là, các cặp đôi trước khi kết hôn cần sàng lọc tiền hôn nhân và đưa ra những quyết định đúng đắn về hôn nhân cũng như việc mang thai sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh TMBS.
Ba là, tầm soát chẩn đoán trước sinh và chẩn đoán sơ sinh giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có những phương án điều trị phù hợp, giảm tối đa sự ảnh hưởng của bệnh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hãy tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước.
TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU